Tiếp tục chương trình công tác tại khu vực phía Nam, ngày
16/7, Đoàn công tác của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính,
BHXH Việt Nam do bà Trương Thị Mai-Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về
các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn đầu đã khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện
các cơ chế, chính sách quản lý tài chính tại BHXH TP.HCM.
Qua buổi khảo sát, đoàn công tác thấy rằng BHXH TP.HCM đang
phải chịu một áp lực quá lớn, do khối lượng công việc ngày một nhiều, trong khi
biên chế rất ít…
Khối lượng công việc quá lớn
Báo cáo với đoàn công tác, ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH
TP.HCM cho biết:Hiện BHXH TP.HCM đang có 1.337 CCVC, quản lý 57.509 đơn vị, DN
tham gia BHXH, với tổng số gần 1,9 triệu lao động, chiếm gần 43,5% trên tổng số
lao động trong độ tuổi trên toàn TP (ước tính hơn 4,3 triệu lao động). Do số DN
quá đông, trong đó có rất nhiều DN quy mô nhỏ nên việc thực hiện chính sách rất
phức tạp và tốn nhiều thời gian quản lý. Cụ thể, mỗi năm TP.HCM có gần 1/3 số
lao động đóng BHXH và BH thất nghiệp thay đổi; bình quân có trên 600.000 lao động
nghỉ việc (phải chốt sổ BHXH) và 660.000 lao động tăng mới (phải cấp sổ mới).
Ở các DN này, tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH
thất nghiệp rất phổ biến, nợ phát sinh thường xuyên nếu không nhắc nộp. Việc ứng
dụng CNTT để làm thủ tục nộp rất hạn chế, nhất là việc thực hiện giao dịch điện
tử (DN không mua chữ ký số). Do quy mô nhỏ, mức nợ từng DN không lớn (đến mức
phải kiện hoặc thanh tra), nhưng có quá nhiều DN nợ nên tổng số nợ cũng rất
cao. Năm 2014, BHXH TP.HCM đã khởi kiện 1.717 DN. Từ năm 2008 đến cuối năm
2014, đã kiện 3.959 DN, thu hồi 850 tỷ đồng (đạt 68,8%). Sáu tháng đầu năm 2015
đã kiện 495 DN nợ, thu hồi 20%.
Tính đến hết tháng 6/2015, TP.HCM có hơn 5,4 triệu người
tham gia BHYT, đạt 70% dân số trên địa bàn. Để đảm bảo KCB BHYT cho đối tượng
có thẻ, hiện BHXH TP.HCM đang ký hợp đồng với 135 cơ sở y tế. Năm 2014 có trên
14,5 triệu lượt người KCB BHYT, thanh toán hơn 5.700 tỷ đồng. Do quản lý chặt
chẽ, có các giải pháp giám định và kiểm tra đấu thầu thuốc hợp lý nên năm 2014
có kết dư 1.200 tỷ đồng; quý I/2015 kết dư 460 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2014,
BHXH TP.HCM đã xét duyệt cho 769.702 lượt người hưởng BHXH, BH thất nghiệp.
Trong đó, giải quyết hưởng trợ cấp hàng tháng cho 11.073 người, giải quyết trợ
cấp BHXH một lần cho 80.721 người, hưởng trợ cấp ngắn hạn cho 571.124 lượt người,
trợ cấp thất nghiệp cho 106.784 lượt người.
Theo ông Sang, ở TP.HCM hiện còn khoảng 300.000 NLĐ trong
các DN nhỏ (bình quân 6 lao động/DN) chưa tham gia BHXH. Ngoài ra, dù làm hết
các giải pháp trong thẩm quyền cho phép nhưng nợ BHXH vẫn ở mức cao (cuối năm
2014 là 4,35%) so với kế hoạch thu. Vì vậy, ông Sang kiến nghị Quốc hội nên sớm
sửa Bộ luật Hình sự để bổ sung tội danh trốn đóng, nợ BHXH; cho phép kiện theo
Luật Phá sản đối với các DN không còn sử dụng lao động hoặc còn khả năng nhưng
cố tình không thi hành án dân sự…
Theo ông Sang với khối lượng công việc quá lớn, nên dù đã có
nhiều giải pháp hợp lý hóa quá trình nghiệp vụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ
thông tin để xử lý hầu hết các lĩnh vực nghiệp vụ, nhưng có rất nhiều công việc
đòi hỏi phải có đủ nhân lực để thực hiện trực tiếp như: Tiếp nhận và trả hồ sơ,
tiếp công dân, tư vấn qua đường dây nóng, kiểm tra- đốc thu BHXH tại các DN,
giám sát tại các bệnh viện… Do vậy, cán bộ BHXH phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Giao dịch "Một cửa" tại BHXH TP.HCM
So với toàn hệ thống BHXH, khối lượng công việc của BHXH
TP.HCM chiếm khoảng 16% nhưng định biên chỉ bằng 6,5%, còn quá thấp so với khối
lượng công việc phát sinh. Bằng chứng là: Bình quân 1 cán bộ BHXH TP.HCM phải
thực hiện thu 102,76 tỷ đồng và chi 14,4 tỷ đồng/năm; quản lý 172 đơn vị, DN
tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; quản lý 5.622 lao động tham gia BHXH và 15.380
người tham gia BHYT; bình quân trong một tháng, 1 viên chức phải giải quyết
1.235 hồ sơ hưởng BHXH hàng tháng, 2.646 hồ sơ hưởng BHXH một lần và xử lý
26.696 trường hợp hưởng BH thất nghiệp; bình quân một cán bộ giám định BHYTthực
hiện giám định 215.000 hồ sơ KCB BHYT/năm; bình quân một cán bộ làm công tác cấp
sổ- thẻ phải in 60.937 sổ BHXH và 192.324 thẻ BHYT/năm.
Do công việc quá tải đã dẫn đến, cường độ làm việc của CCVC
BHXH TP.HCM rất căng thẳng. Bình quân phải làm thêm khoảng 160 giờ mỗi năm. Nếu
tiếp cường độ công việc như vậy sẽ không đảm bảo sức khỏe cho các CCVC; không
có điều kiện nâng cao chất lượng công tác...
Đặc biệt là không thể chủ động kiểm tra, đôn đốc và khắc phục
tình trạng vi phạm của DN. Vì vậy hiện có khoảng 70% DN chưa từng đến giám sát.
Không thể chủ động phát triển thêm DN mới thành lập. Dự kiến còn khoảng 50.000
DN với khoảng 300.000 lao động chưa tham gia BHXH, nhưng mỗi năm chỉ phát triển
thêm khoảng 8.500 DN với 52.000 lao động, chưa thể vận động thực hiện thêm nhiều
hơn.
Sau khi nắm bắt thông tin, bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy
ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Báo cáo của BHXH TP.HCM đã gợi
mở cho đoàn công tác rất nhiều điều, đặc biệt cho thấy áp lực công việc của
BHXH TP.HCM nói riêng và của toàn ngành BHXH là rất lớn. Bởi đây là Ngành liên
tục có những đổi mới chính sách và phải tiếp cận với những chính sách mới. Với
số lượng biên chế như hiện tại (toàn Ngành 20.500 người) thì không thể đảm
đương nổi công việc được giao. Vì vậy, việc tăng biên chế cho ngành BHXH là rất
cần thiết, rất may việc sắp xếp nhân sự theo vị trí công việc của ngành BHXH là
rất cụ thể. Nên đây là cơ sở để đoàn công tác làm việc với Bộ Nội vụ và Ủy ban
Thường vụ Quốc hội.
- Chia sẻ với những khó khăn của BHXH TP.HCM, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Không chỉ ở TP.HCM, đi đâu cũng thấy CCVC BHXH vất vả, bởi một người phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc, nhưng các CCVC BHXH vẫn cống hiến hết sức, hoàn thành tốt công việc được giao. Đến BHXH TP.HCM mới thấy rằng, tuy nhiên số lượng nhân sự còn quá ít, nhưng điều đáng mừng trong thời gian qua, BHXH TP.HCM luôn hoàn thành tốt công việc được giao, luôn có nhiều sáng kiến áp dụng cho toàn ngành, phát hiện nhiều vụ trục lợi BHYT, chế độ thai sản…
"Tôi tin rằng nếu tăng biên chế, hoàn thành hệ thống
công nghệ thông tin, có cơ chế tài chính phù hợp…, BHXH TP.HCM còn có thể làm tốt
hơn nữa"- Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết.
Lê Văn
" Theo báo Bảo hiểm Xã hội"