Pháp luật đúng tuyệt đối là điều không tưởng. Mong muốn của phần lớn cử tri và nhân dân là các ĐBQH, các tổ chức, các cá nhân cần thấy hết và nâng cao trách nhiệm của mình, phân tích thấu đáo, đánh giá đúng bản chất để từ đó đưa ra quyết sách đúng đắn, phù hợp, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, qui định của Hiến pháp, không làm cho tình hình thêm rối, ảnh hưởng đến uy tín, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.

An sinh xã hội, cả trước mắt và lâu dài, là một trong các chính sách quan trọng của một quốc gia gắn liền với tiến trình phát triển. Nhiều năm qua Đảng và Nhà nước chúng ta hết sức coi trọng, chăm lo chính sách an sinh xã hội, trong đó BHXH là một trụ cột, được thể hiện trong Cương lĩnh, trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Và gần đây nhất là Kết luận số 23-KL/TW, ngày 29.5.2012 và Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01.6.2012 của Hội nghị Trung ương 5; Kết luận số 63-KL/TW ngày 27.5.2013 của Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, đề cập khá cụ thể chính sách BHXH với định hướng đa dạng hóa hình thức, mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm cân đối quỹ BHXH, xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Thực hiện Cương lĩnh và Nghị quyết của Đảng, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã dành nhiều thời gian, công sức để thể chế hóa trong Hiến pháp và các văn bản qui phạm pháp luật, trong đó có Luật BHXH sửa đổi được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014, có hiệu lực từ 01/01/2016 và 01/01/2018 tùy theo nhóm đối tượng. Theo mục đích, yêu cầu, tính chất, nguyên tắc của từng chế độ, Luật BHXH 2014 đã quy định và điều chỉnh các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, gồm: ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ BHXH dài hạn, gồm: hưu trí, tử tuất, theo hướng sửa đổi tiến bộ, nhân văn hơn so với luật quy định trước đó. Tuy nhiên vẫn còn đó một số bất cập, hạn chế chưa dễ gì khắc phục được trong một sớm một chiều.
Trong các chế độ BHXH thì bảo hiểm hưu trí (gọi tắt BH hưu trí) là chế độ quan trọng nhất nhằm bảo đảm an sinh xã hội ổn định, lâu dài và cũng là chế độ có mức đóng lớn nhất, đến 22% tiền lương hoặc thu nhập, trong đó NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%, còn người tham gia tự nguyện trước mắt vẫn đóng cả 22% thu nhập. Việc cân đối, quản lý quỹ BH hưu trí khá phức tạp.
Vậy BH hưu trí là gì? - Đó là nội dung mà các cơ quan, các nhà khoa học, chuyên gia và những người hoạch định chính sách đã xác định ngay từ đầu để hình thành chế độ. Theo cách hiểu chung của Việt Nam và các nước trên thế giới, mục đích của BH hưu trí là quy định việc hình thành nguồn tài chính để bảo đảm cho NLĐ tham gia có nguồn thu nhập, bảo đảm cuộc sống, được nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe khi suy giảm khả năng lao động do tuổi tác, già yếu. Để tránh nhầm lẫn, tranh chấp, nhiều nước trên thế giới vẫn gọi đây là bảo hiểm tuổi già và không chi trả một lần cho NLĐ khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu.
Cũng vì tính chất quan trọng và mục đích an sinh xã hội lâu dài của BH hưu trí mà pháp luật đã bắt buộc người sử dụng phải đóng phần lớn quỹ BH hưu trí cho NLĐ, theo đó đến năm 2014 người sử dụng lao động phải đóng đến 14% trong tổng số 22% tiền lương của NLĐ cho BH hưu trí và 14% này đối với doanh nghiệp được hạch toán vào giá thành, phí lưu thông, giảm trừ thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Với mức thuế thu nhập doanh nghiệp 25% thì điều đó đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước chịu 1/4 mức đóng góp từ người sử dụng lao động. Còn đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang, 14% này do ngân sách nhà nước đóng. Bên cạnh đó Nhà nước cũng mở ra hình thức BH hưu trí tự nguyện, có chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong tổng mức đóng 22% thu nhập để khuyến khích ngày càng nhiều nông dân, NLĐ khu vực phi chính thức tham gia nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.
Lịch sử các nước trên thế giới hiếm thấy có cuộc đình công, lãn công nào của NLĐ đòi lấy BH hưu trí một lần khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu vì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Với chúng ta, trước năm 1995, chế độ BH hưu trí chỉ có người sử dụng lao động đóng 1%, còn NLĐ làm công hưởng lương không phải đóng và hệ quả là, hiện nay ngân sách nhà nước đang phải chi trả tiền lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Từ năm 1995 trở lại đây bắt đầu thực hiện chế độ đóng - hưởng BH hưu trí, nhưng cũng vì chưa có chế độ BH thất nghiệp, nhận thức về chế độ BH hưu trí còn hạn chế, công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật đối với NLĐ còn nhiều bất cập, trước áp lực đòi hỏi từ một bộ phận NLĐ và cách giải quyết của chúng ta chỉ nhằm ổn định tình hình trước mắt, cho nên Luật BHXH 2006 đã quy định cho các đối tượng được nhận BHXH một lần giống như đề nghị sửa đổi Điều 60 của Chính phủ hiện nay.
Có sai có sửa, sau khi nhận thức lại vấn đề, thực hiện chủ trương, định hướng về an sinh xã hội theo Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp, khi thông qua Luật BHXH 2014 Quốc hội đã tán thành việc chỉnh sửa Điều 60 và Điều 77 theo hướng thu hẹp đối tượng được nhận BHXH một lần. Cho đến nay quy định này mặc dù chưa có hiệu lực nhưng một lần nữa không nhận được sự đồng tình của một bộ phận công nhân, NLĐ, họ đòi hỏi phải được nhận BH hưu trí một lần để giải quyết đời sống khó khăn, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng trước mắt, hoặc để có vốn trở về quê tăng gia, sản xuất với lập luận, chỉ có dăm năm đóng BH hưu trí mà hàng chục năm sau mới được nhận thì lâu quá, không biết có sống được đến ngày đó để nhận bảo hiểm hay không; giữ và nhớ sao được Sổ bảo hiểm, ai sẽ báo, ai chi trả và lĩnh tiền hưu trí ở đâu… trong khi trước mắt đời sống còn nhiều khó khăn. Sự phản ứng của một bộ phận công nhân, NLĐ và một số tổ chức, cá nhân đối với chính sách của Nhà nước đã diễn ra và có thể còn tiếp tục diễn ra nếu không có phương thức giải quyết, biện pháp xử lý đúng đắn, thích hợp, không làm rõ được bản chất sự việc, giải thích chính sách, pháp luật có tình, có lý cho các tổ chức, cá nhân, công nhân, NLĐ và nhân dân cùng hiểu, cùng thống nhất nhận thức thì tình hình dễ đi theo chiều hướng xấu. Vậy vấn đề cần làm rõ và hiểu cho đúng ở đây là gì.
Thứ nhất, cần khẳng định rõ, đây không phải là trả BHXH một lần mà là trả BH hưu trí một lần, vì BHXH gồm các chế độ: ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí, tử tuất. Ở đây chỉ có thể trả BH hưu trí một lần chứ không thể trả tất cả các chế độ bảo hiểm một lần. Nằm trong mục 4, Chương III Luật BHXH quy định về chế độ hưu trí mà tên gọi Điều 60 và nội dung lại ghi và quy định trả BHXH một lần là không chuẩn xác.
Thứ hai, công nhân và NLĐ mới làm dăm năm mà đã đòi lấy BH hưu trí một lần, tức là đang trẻ, còn sức khỏe để làm việc lại lấy của tuổi già để chi tiêu, dù với lý do gì, đều trái với mục đích của BH hưu trí. Có khác gì không ốm đau, thai sản, không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lại đòi được trả bảo hiểm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mặc dù các quỹ này còn kết dư rất lớn. Không vì chăm lo cho tuổi già, không vì mục đích an sinh xã hội lâu dài thì làm gì có chế độ BH hưu trí (hay tuổi già) và làm sao có cơ sở để Luật bắt buộc người sử dụng lao động phải đóng đến 14% trong tổng số 22% BH hưu trí cho người lao động. Nay NLĐ đòi lấy và Nhà nước chấp nhận trả sai mục đích của chế độ thì còn đâu tính đúng đắn, còn đâu là công bằng, hợp lý của chính sách an sinh xã hội lâu dài đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, khẳng định. Theo đó, người sử dụng lao động hoàn toàn có quyền phản ứng về mức đóng góp lớn của họ bị sử dụng sai mục đích (trừ trường hợp việc sửa đổi quy định NLĐ chỉ được nhận phần đóng góp 8% của mình).
Bên cạnh đó cũng cần thấy rõ, vì sự công bằng và cân đối trong nguyên tắc đóng - hưởng của chế độ BH hưu trí mà Luật quy định, NLĐ có đủ số năm đóng BH hưu trí hoặc có đủ thời gian làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại từ 15 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, về hưu trước tuổi đều phải giảm trừ lương hưu thì không có lý do gì NLĐ lấy BH hưu trí một lần trước hàng chục năm lại không bị giảm trừ, có vậy mới bảo đảm tính công bằng trong chính sách. Có ý kiến cho rằng, phần đóng góp của người sử dụng lao động là tiền lương của NLĐ. Điều đó là không đúng, trong cơ cấu tiền lương không có khái niệm để lại một phần tiền lương để người sử dụng lao động đóng BHXH và tất nhiên NLĐ không thể lấy phần đóng góp này của người sử dụng lao động.
Trước áp lực hiện nay nếu phải sửa Điều 60 theo đề nghị của Chính phủ thì hệ lụy sẽ khôn lường, khi Luật đã cho phép lấy BH hưu trí một lần thì sự việc sẽ không chỉ dừng lại ở một bộ phận công nhân, NLĐ mà sẽ dần lan truyền, mọi cán bộ, công chức, viên chức sao lại không được lấy BH hưu trí một lần khi có và đủ điều kiện, vì trong khoảng 5-10 năm đầu, nếu được phép, họ cứ lấy hết BH hưu trí một lần (được 2 tháng lương/cho 1 năm đóng BH) gửi vào tiết kiệm, sau đó tiếp tục làm việc, tham gia đóng BH hưu trí chỉ đủ số năm để nhận được tỷ lệ tiền lương hưu cao nhất thì vừa đủ tuổi nghỉ hưu, không đóng vượt quá số năm quy định vì số năm vượt chỉ được hưởng trợ cấp một lần có 0,5 tháng lương/cho một năm đóng BH. Như vậy sẽ có lợi hơn nhiều. Chắc rằng số người lấy BH hưu trí một lần sẽ không chỉ một bộ phận NLĐ mà sẽ tăng cao, tình hình cân đối quỹ BH hưu trí bắt buộc, dài hạn sẽ xấu hơn rất nhiều so với hiện nay.
NLĐ làm công hưởng lương, tham gia BH hưu trí bắt buộc được lấy một lần còn liên quan đến người tham gia BH hưu trí tự nguyện, người phải tự đóng 22% thu nhập của mình. Sau một vài năm khi không có điều kiện tiếp tục tham gia, họ không thể không được lấy BH hưu trí tự nguyện một lần và sửa Điều 60 thì đồng thời cũng phải sửa Điều 77 Luật BHXH. Như vậy làm sao có thể khuyến khích được nông dân, NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BH hưu trí tự nguyện theo tinh thần, nội dung các Nghị quyết của Đảng. Người tham gia BH hưu trí tự nguyện khi nhận BH một lần theo quy định tại Điều 77 Luật BHXH, mức hưởng phải trừ phần tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BH hưu trí thì mọi NLĐ làm công hưởng lương, tham gia BH hưu trí bắt buộc khi lấy BH hưu trí một lần không thể không bị trừ phần tiền do người sử dụng lao động hoặc ngân sách nhà nước đóng cho họ. Với cách giải quyết này, về lâu dài gánh nặng ngân sách nhà nước sẽ ngày càng tăng thêm để bảo đảm chi trợ cấp xã hội cho những người từ 60 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập bảo đảm cuộc sống theo quy định tại Luật Người cao tuổi.
BH hưu trí là một chế độ an sinh xã hội dài hạn, rất quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, không chỉ liên quan đến hiện tại mà còn liên quan đến cả thời gian quá khứ và tương lai của nhiều NLĐ có quá trình đóng góp và cống hiến khác nhau. Mọi sửa đổi đều ảnh hưởng đến hàng chục năm sau chứ không phải chỉ một vài năm trước mắt. Với gần 12 triệu người tham gia BHXH hiện nay, có khoảng 16 vạn người, hay thậm chí 60 vạn NLĐ, đòi lấy BH hưu trí một lần cũng chỉ chiếm khoảng trên 1% đến 5% tổng số người tham gia BHXH, còn 95% đến 99% người lao động không đòi lấy BH hưu trí một lần thì sao có thể cho rằng Luật BHXH 2014 sai, không vì dân, phải xin lỗi dân được. Pháp luật đúng tuyệt đối là điều không tưởng. Một bộ phận NLĐ làm công hưởng lương trong ngành dệt, may, da, giày đời sống khó khăn, nhưng nhìn rộng ra hàng triệu người làm công hưởng lương đời sống cũng rất khó khăn, thậm chí khó khăn hơn nhiều, như công nhân hầm lò, địa chất, xây dựng, làm đường, cao su, vệ sinh môi trường, nghĩa trang; cô nuôi dạy trẻ, giáo viên cấp I, mẫu giáo, mầm non, y tá, hộ lý và đến cả các nghệ sĩ, vận động viên chuyên nghiệp, cũng rất khó khăn, tuổi nghề rất ngắn, có đủ sức khỏe để bảo đảm thời gian lao động đến tuổi nghỉ hưu cũng không dễ, sao họ lại nhận thức và chấp nhận được qui định của chế độ BH hưu trí.
Bên cạnh đó còn có hơn 30 triệu NLĐ khu vực không chính thức, làm việc trong nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất muối, trong lĩnh vực dịch vụ, họ đang mưu sinh, tự tạo việc làm, thu nhập, sản xuất ra của cải, vật chất xã hội, nuôi sống gần 2/3 dân số, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế - xã hội, trong số đó có không ít người đời sống rất khó khăn, thậm chí nghèo đói, mà họ đâu có đòi hỏi và được hưởng nhiều quyền lợi BHXH như những người làm công hưởng lương đang đòi lấy BH hưu trí (tuổi già) một lần. Vậy sửa Điều 60 Luật BHXH 2014 trở về như cũ liệu có phải lấy thiểu số phủ định đa số, lấy cái sai phủ định cái đúng, lấy cái trước mắt phủ định cái lâu dài, liệu có trái với đường lối, chủ trương, mục tiêu của Đảng trong chiến lược an sinh xã hội lâu dài và liệu có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH như Nghị quyết của Đảng đã đề ra hay không.
Từ trước đến nay trong các chế độ, chính sách, BH hưu trí bao giờ cũng là vấn đề gai góc, phức tạp nhất, đòi hỏi tổ chức, cá nhân làm công việc này phải có kiến thức chuyên môn, hiểu biết chuyên ngành, kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước để hoạch định chính sách và thể chế hóa bằng lập pháp. Mong muốn của phần lớn cử tri và nhân dân là các tổ chức, các ĐBQH, các cá nhân cần thấy hết và nâng cao trách nhiệm của mình, có đủ tầm và kiến thức, hiểu biết sâu sắc, toàn diện vấn đề BHXH để từ đó có quyết sách giải quyết chế độ BH hưu trí, trong đó có quy định chế độ trả BH hưu trí một lần, một cách đúng đắn, hợp lý, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, không làm cho tình hình thêm rối, ảnh hưởng đến uy tín, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và mọi người dân đều “có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” như Điều 34 Hiến pháp đã ghi.
( Tựa đề bài viết do hotronghiepvubhxh đặt lại)
( Tựa đề bài viết do hotronghiepvubhxh đặt lại)
Theo daibieunhandan.vn